Nghị quyết về khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Ngày 10/9/2024, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 19-NQ/BCSĐ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17); thành phố Hà Nội có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9 và có mưa to đến rất to. Hầu hết các địa phương đều có các ảnh hưởng, thiệt hại về tài sản xảy ra liên quan đến cây đổ, cành gãy, mất điện, sạt lở, sập đổ, tốc mái công trình... Nước lũ thượng nguồn đổ về cùng với mưa lũ sau hoàn lưu bão làm cho lượng mưa tiếp tục tăng nhanh, mực nước tại một số sông và các trục tiêu lớn trên địa bàn Thành phố dâng cao tác động trực tiếp đến các hệ thống công trình thủy lợi, cầu cống, đường xá, hệ thống lưới điện, vệ sinh môi trường và người dân hai bên bờ sông và tại các vùng xung yếu.
Trên cơ sở tình hình thiệt hại, diễn biến mưa lũ sau cơn báo số 3, với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết; Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố yêu cầu UBND Thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, lực lượn chức năng, các cơ quan truyền thông, điện lực, cấp thoát nước, cây xanh và các đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện:
- Chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin, diễn biến tình hình mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân. Sẵn sáng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
- Kịp thời triển khai vận hành các trạm bơm tiêu phòng, chống úng, ngập trên địa bàn Thành phố, bảo đảm đủ điện; huy động các lực lượng chức năng, nhất là các lực lượng quân đội, công an, hội viên, đoàn viên và huy động sự vào cuộc của người dân để buộc dựng, cứu lúa đối với diện tích lúa bị đổ, cây xanh, rau màu các loại… Vận động hỗ trợ người nông dân chuẩn bị cây, con giống… để sẵn sàng gieo trồng ngay khi có thể, đảm bảo phục hồi sớm nhất hoạt động sản xuất, sinh hoạt và đời sống nhân dân.
- Khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại, khắc phục sự cố, các điểm sạt lở, ách tắc, hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng của bão và khẩn trương giải tỏa cây cối bị đổ, gãy cành còn sót lại tại các tuyến phố, các trục đường trên toàn địa bàn, dọn dẹp, vệ sinh môi trường để đảm bảo hoạt động giao thông và sinh hoạt cho người dân; đồng thời có giải pháp cứu, khôi phục các cây lâu năm, hạn chế thấp nhất việc để các cây cổ thụ bị chết.
- Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, không được để vỡ đê, hồ đập, cầu, cống, các công trình trọng điểm, cơ sở y tế, trường học, khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các dự án đang thi công dở dang, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, sản xuất nông nghiệp trên các bãi sông.... Bố trí lực lượng ứng trực 24/24; chuẩn bị vật tư phương tiện sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo thực chất, an toàn, hiệu quả. Huy động lực lượng khơi thông, vớt rác, bơm hút nước giải toả các điểm úng ngập cục bộ. Theo dõi tình hình thời tiết để có kế hoạch chủ động thậm chí khi cần cưỡng chế sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, xung yếu.
- Tổ chức rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống các cầu bắc qua sông trên địa bàn thành phố để đánh giá, phân loại mức độ an toàn của từng cầu nhất là các cầu bắc qua Sông Hồng. Trước mắt triển khai ngay việc gia cố, sửa chữa các cầu yếu, có phương án giảm tải phương tiện lưu thông qua cầu, trường hợp cầu không đảm bảo an toàn thì dừng ngay việc lưu thông qua cầu và có phương án phân luồng giao thông phù hợp. UBND Thành phố chỉ đạo xây dựng chương trình tổng thể cải tạo, nâng cấp, xây dựng thay thế các cầu yếu trong giai đoạn 2024-2025 và các năm tiếp theo, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.
- Kịp thời có chính sách và tổ chức hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân Thủ đô, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách.
- Có phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, nước sạch... để sẵn sàng cung cấp cho người dân khi bị cô lập. Duy trì và đảm bảo cung cấp điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu thiết yếu cho người dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, vật liệu xây dựng trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình thiên tai để "găm hàng, tăng giá" trên địa bàn Thành phố.
- Chủ động chuẩn bị đủ nguồn lực để khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lớn gây ra.
Thảo Duyên