Danh sách câu hỏi và câu trả lời
Hỏi về hoạt động kinh doanh vàng
Thông tư 38/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Thống đốc NHNNVN hướng dẫn một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về hoạt động kinh doanh vàng có điểm gì mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng?
Kim Hảo (06/04/2016 15:46) - Hà nội
Trả lời
Điểm a khoản 1 điều 23 Thông tư 34/2015/TT-NHNN qui định: Trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 01/3/2016), tổ chức kinh tế đã được cấp Giấy phép làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ phải thực hiện chuyển đổi sang văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ theo qui định tại Thông tư này. Quá thời hạn nêu trên tổ chức kinh tế không thực hiện chuyển đổi hoặc không được chuyển đổi do không đáp ứng điều kiện qui định tại khoản 2 Điều này phải chấm dứt hoạt động nhận và chi, trả ngoại tệ.
- Điểm a Khoản 2 điều 23 Thông tư 34/2015/TT-NHNN qui định các tổ chức kinh tế đã được cấp Giấy phép làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ được chuyển đổi sang văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ khi đáp ứng các điều kiện qui định tại điều 10 Thông tư này. Cụ thể:
+ Được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
+Có trang thiết bị và cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đối với hoạt động nhận và chi, trả ngoại tệ bao gồm: máy tính, điện thoại, máy fax..;
+ Có hợp động với đối tác nước ngoài về dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ;
+ Có phương án thực hiện dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ do người đại diện hợp pháp ký;
Ngoài ra, công ty cần phải đảm bảo giấy phép được cấp trước đây còn hiệu lực tối thiểu 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ và chấp hành chế độ báo cáo về tình hình nhận và chi, trả ngoại tệ theo qui định của NHNN
- Khoản 3 điều 23 Thông tư 34/2015/TT-NHNN qui định hồ sơ chuyển đổi, gồm:
+ Đơn đề nghị chuyển đổi (theo mẫu tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này);
+ Bản gốc Giấy phép làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ đã được cấp;
+ Bản sao kèm bản dịch tiếng Việt hợp đồng nhận và chi trả ngoại tệ ký với đối tác nước ngoài.
- Công ty nộp bộ hồ sơ như trên gửi NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty đóng trụ sở chính bằng hình thức nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, NHNN chi nhánh sẽ xem xét, chuyển đổi thành văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ. Trường hợp công ty không được chuyển đổi, NHNN sẽ có văn bản thông báo rõ lý do và công ty không được hoạt động nhận và chi, trả ngoại tệ.Phòng Quản lý Ngoại hối và vàng (07/04/2016 20:21)
Hỏi về Thông tư 38
Thông tư 38/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 sửa đổi , bổ sung một số điều của Thông tư 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Thông đốc NHNN VN hướng dẫn một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có điểm gì mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng?
HH (07/04/2016 20:27) - Gia Lâm - Hà nội
Trả lời
- Thông tư 38 sửa đổi điều 11 qui định về hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm đối với doanh nghiệp có hợp đồng gia công vàng TSMN với nước ngoài và hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng TSMN, theo đó DN không phải nộp tờ khai hải quan bản chính hoặc bản sao chứng thực mà chỉ có bảng kê tờ khai Hải quan tạm nhập - tái xuất vàng theo mẫu, như vậy rất thuận lợi cho DN vì DN giữ được bản gốc tờ khai hải quan để thực hiện báo cáo thanh khoản vào cuối năm và vẫn đảm bảo được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đúng qui định.
- Thông tư 38 sửa đổi bổ sung khoản 1 điều 18 qui định về nguyên tắc lập hồ sơ, theo đó DN có nhiều lựa chọn hơn so với trước đây về hình thức hồ sơ: DN có thể nộp bản chính, bản sao có chứng thực, bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu. Trong trường hợp người nộp hồ sơ nộp bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.
- Thông tư cũng bổ sung thêm qui định về hồ sơ thủ tục đối với các nội dung:
+ Điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm đối với DN có hợp đồng gia công vàng TSMN với nước ngoài.
+ Chấm dứt hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, hoạt động sản xuất vàng TSMN.
Như vậy, cơ chế chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng phù hợp hơn với thực tế hoạt động của doanh nghiệp đồng thời thuận tiện hơn cho NHNN trong việc quản lý và kiểm tra đối với các doanh nghiệp được NHNN cấp phép.Phòng Quản lý Ngoại hối và vàng (07/04/2016 20:28)
Thông tư 39
Việc cho vay phục vụ nhu cầu đời sống có bao gồm việc cho vay để chứng minh khả năng tài chính khi làm thủ tục du học, chữa bệnh ở nước ngoài không?
Mỹ Lan (29/03/2017 15:18)
Trả lời
Nhu cầu vay vốn để chứng minh khả năng tài chính khi làm thủ tục du học, chữa bệnh ở nước ngoài là nhu cầu vay vốn để gửi tiền tại TCTD nhằm chứng minh khả năng tài chính, không phải là nhu cầu vay vốn cho việc du học, chữa bệnh ở nước ngoài nên không phải là nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống phục vụ đời sống theo quy định tại Thông tư 39
Admin NHNN (29/03/2017 15:18)
Chi trả sổ tiết kiệm
Gia đình tôi có một sổ tiết kiệm gửi từ năm 1983. Tôi muốn hỏi về chính sách và thủ tục chi trả đối với sổ tiết kiệm này?
Nguyễn Thị Thủy (24/04/2017 09:51) - Hà Nội
Trả lời
Việc tính toán để chi trả các khoản tiền gửi tiết kiệm có thời hạn gửi đã quá lâu đòi hỏi phải áp dụng các chế độ, chính sách một cách phù hợp. Đặc biệt, đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm từ trước khi hệ thống Ngân hàng Việt Nam chuyển cơ chế hoạt động từ một cấp sang hai cấp (tháng 5/1990), việc thực hiện chính sách tiết kiệm có nhiều thay đổi. Dưới đây là các chính sách chi trả đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng gửi từ những năm 1980 trở về trước để bà Thủy tham khảo.
1. Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm của bộ đội gửi lại trước khi đi chiến trường:
Mặc dù các khoản tiết kiệm này đã được chi trả tập trung trong năm 1993, song đến nay, vẫn có một số khách hàng tìm được Sổ (Thẻ) bị thất lạc từ trước và đem đến ngân hàng yêu cầu được chi trả. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 528/CV-NH1 ngày 16/12/1992 hướng dẫn tính toán quy đổi. Cụ thể:
Số tiền gốc tiết kiệm được quy đổi theo công thức:
Y = (A : B) x C
Trong đó, Y là Số tiền gốc phải chi trả,
A là Số tiền gốc trên số tiết kiệm,
B là Giá gạo tại thời điểm gửi, áp dụng thống nhất là 0,20 đồng/kg theo giá thời điểm tháng 2/1959, gần sát với thời điểm gửi tiền,
C là Giá gạo tại thời điểm thanh toán là giá gạo tẻ thường trên thị trường Thành phố Hà Nội đăng trên Báo Thị trường của Bộ Công thương tại thời điểm gần nhất với ngày chi trả.
Số tiền lãi tiết kiệm được tính theo công thức sau:
X = (Y x N) x 5%/năm
Trong đó, X là Số tiền lãi phải chi trả
Y là Số tiền gốc phải chi trả,
N là Số năm gửi tiết kiệm. Trường hợp người gửi tiền gửi vào Ủy ban Thống nhất, tổ chức tín dụng tính toán lãi tiền gửi tiết kiệm tính từ thời điểm ghi trên Phiếu thu của Ủy ban Thống nhất.
Lãi suất 5%/năm là lãi suất bình quân tính cho cả thời kỳ của thẻ tiết kiệm.
Như vậy, tổng số tiền tiết kiệm phải chi trả cho khách hàng là số tiền gốc và số tiền lãi phải chi trả tính theo 2 công thức trên đây. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý các sổ tiết kiệm được thanh toán theo quy định trên đây là những sổ tiết kiệm của bộ đội trước khi đi chiến trường của các năm 1960-1961-1962, do Bộ Quốc phòng lập sổ theo từng người. Ngân hàng thương mại cần đối chiếu với hồ sơ lưu trữ để đảm bảo chi trả đúng người, đúng chế độ.
2. Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm của dân cư trong khoảng thời gian từ 1983 – 1985:
Đây là khoảng thời gian diễn ra sự kiện phát hành đồng tiền Ngân hàng mới, thu đổi tiền Ngân hàng cũ theo Quyết định số 01/HĐBT-TĐ ngày 13/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ ), với quy định 10 đồng tiền cũ đổi được 1 đồng tiền mới. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người có tiền gửi tiết kiệm, Quyết định số 01/HĐBT-TĐ đã quy định mọi số tiền gửi tiết kiệm vào Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa theo các thể thức tiết kiệm do Hội đồng Bộ trưởng ban hành mà còn số dư đến ngày thu đổi thì được quy đổi theo tỷ lệ như sau:
- Tiền gửi từ ngày 01/3/1978 trở về trước được quy đổi theo tỷ lệ 1 đồng cũ bằng 1 đồng mới.
- Tiền gửi từ ngày 02/3/1978 đến ngày 31/5/1981 được quy đổi theo tỷ lệ 2 đồng cũ bằng 1 đồng mới.
- Tiền gửi từ ngày 01/6/1981 đến ngày 31/12/1984 được quy đổi theo tỷ lệ 6 đồng cũ bằng 1 đồng mới.
- Tiền gửi từ ngày 01/01/1985 đến ngày 31/7/1985 được quy đổi theo tỷ lệ 9 đồng cũ bằng 1 đồng mới.
- Tiền gửi từ ngày 01/8/1985 đến ngày đổi tiền thì theo tỷ lệ 10 đồng cũ bằng 1 đồng mới.
Để triển khai kịp thời chính sách này, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 8/NH-TT ngày 28/10/1985 hướng dẫn việc quy đổi tiền gửi tiết kiệm theo tỷ lệ ưu đãi trong kỳ thu đổi tiền. Thông tư số 8/NH-TT quy định cụ thể cách tính quy đổi theo tỷ lệ ưu đãi phải căn cứ vào số dư ở các thời điểm quy định, số dư ở thời điểm nào thì quy đổi theo tỷ lệ quy định cho thời điểm đó, thời điểm có số dư tăng thì quy đổi số tăng theo tỷ lệ quy định cho thời điểm đó, thời điểm có số dư giảm thì quy đổi số giảm theo tỷ lệ quy định cho thời điểm đó. Cộng số tiền ở các thời điểm có số dư tăng, trừ đi số tiền ở các thời điểm có số dư giảm là số tiền được quy đổi.
Căn cứ chính sách chung và chính sách ưu đãi đối với tiền gửi tiết kiệm trên đây, các ngân hàng thương mại cần tính toán chính xác số dư tiền gửi tiết kiệm mà khách hàng gửi vào Ngân hàng theo tỷ lệ trên đây và số lãi tiền gửi tiết kiệm trong từng thời kỳ theo quy định của Nhà nước khi khách hàng xuất trình các Sổ (Thẻ) tiết kiệm. Nhà nước không có quy định nào khác về việc ngân hàng đảm bảo giá trị tiền gửi của dân bằng thóc hay bằng vàng… đối với các hình thức tiết kiệm trong thời kỳ này.
3. Về thủ tục chi trả:
- Về nơi thực hiện chi trả: Theo nguyên tắc, Thẻ (Sổ) tiết kiệm phải được thanh toán tại Ngân hàng trước đây mà khách hàng gửi tiền. Tuy nhiên, do sự chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng từ một cấp sang hai cấp khi có Pháp lệnh Ngân hàng nên hồ sơ của khách hàng đã được Ngân hàng Nhà nước bàn giao sang các Ngân hàng thương mại Nhà nước (Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam). Do vậy, khách hàng cần liên hệ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn để có thể biết hiện Ngân hàng thương mại nào nhận bàn giao hồ sơ của mình và được hướng dẫn về thủ tục.
- Để tạo thuận lợi cho khách hàng khi thanh toán tiền gửi tiết kiệm và thực hiện đầy đủ chính sách đối với người gửi tiền, Ngân hàng thương mại nơi lưu giữ hồ sơ tiền gửi tiết kiệm cần hướng dẫn, xác định nơi chi trả cụ thể cho khách hàng và có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng được thanh toán đầy đủ, chính xác theo quy định của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền.
- Khi làm thủ tục thanh toán, khách hàng cần xuất trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết như Bản chính Thẻ (Sổ) tiết kiệm và các giấy tờ liên quan (nếu có); Chứng minh thư nhân dân của người nhận tiền kèm theo các giấy tờ xác nhận là người thừa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật về số tiền gửi tiết kiệm nêu trên hoặc giấy ủy quyền của người thừa kế hợp pháp số tiền đó. Đối với khách hàng là thân nhân liệt sỹ, để đảm bảo chi trả đúng đối tượng, Ngân hàng cần đề nghị nộp thêm bản sao có công chứng bằng “Tổ quốc ghi công” hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý chứng nhận là liệt sỹ.
Phòng Quản lý các TCTD và hoạt động Ngân hàng (24/04/2017 11:51)
Cần làm gì trong trường hợp mất tiền trong thẻ ATM
Tôi bị mất tiền trong thẻ ATM trong khi vẫn đang giữ thẻ, không giao thẻ cho ai sử dụng. Xin hỏi trong trường hợp như vậy tôi cần làm gì và Ngân hàng phát hành thẻ có biện pháp hỗ trợ gì để lấy lại tiền cho tôi không? Xin Ngân hàng đưa ra một số lời khuyên cho chủ thẻ ATM để giảm thiểu tối đa nguy cơ mất tiền trong tài khoản ATM. Chân thành cảm ơn!
Nguyễn Văn Đức (08/07/2017 13:27)
Trả lời
Việc chủ thẻ ATM phản ảnh vẫn giữ thẻ, không giao thẻ cho ai nhưng vẫn bị mất tiền trong tài khoản thường rơi vào những trường hợp sau: khách hàng đã giao dịch tại ATM bị gắn thiết bị theo dõi, thẻ của khách hàng đã bị người khác sử dụng, khách hàng giao dịch qua Internet vô tình để lộ thông tin cá nhân…
Khi phát hiện ra tài khoản bị mất tiền, chủ thẻ ATM nên gọi điện thoại ngay cho đường dây nóng của ngân hàng để kịp thời xử lý, đóng ngay tài khoản để ngăn chặn việc tiếp tục bị rút tiền. Sau khi được thông báo, ngân hàng sẽ tiến hành điều tra, xác minh xem tiền trong thẻ ATM bị mất vì lý do gì, ai là người rút tiền (nhiều trường hợp chủ thẻ cho mượn thẻ hoặc làm lộ mật khẩu thẻ ATM…). Nếu kết quả điều tra cho thấy khách hàng không thực hiện giao dịch thì ngân hàng sẽ trợ giúp khách hàng tìm những biện pháp pháp lý để lấy lại tiền. Tuy nhiên, việc này cũng rất khó khăn, có thể mất nhiều thời gian và cũng tùy vào sự hỗ trợ của mỗi ngân hàng.
Biện pháp tốt nhất để tránh xảy ra những rủi ro dẫn đến mất tiền trong tài khoản ATM là khách hàng nên tự tìm cách bảo vệ mình trước, bằng cách áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Đăng ký dịch vụ tin nhắn thông báo số dư: đây là giải pháp hữu hiệu để quản lý tài khoản ATM và bảo vệ quyền lợi cho bản thân, vì bất kỳ giao dịch nào phát sinh đều được Ngân hàng gửi tin nhắn thông báo cho chủ thẻ. Trường hợp phát sinh giao dịch đáng ngờ, chủ thẻ ATM có thể phát hiện và báo ngay để ngân hàng kiểm tra, ngăn chặn kịp thời không để xảy ra tình trạng bị rút hết tiền trong tài khoản như một vài trường hợp được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây. Hiện nay, phí đăng ký tại nhiều ngân hàng phổ biến ở mức dưới 10.000 đồng/tháng, do vậy không nên tiếc phí mà không đăng ký, vì rủi ro gặp phải nếu thẻ bị lợi dụng mà chủ thẻ không phát hiện kịp sẽ lớn hơn rất nhiều.
Chủ thẻ cần lưu ý luôn giữ thẻ ATM bên mình hoặc ở một nơi kín đáo để không ai khác sử dụng được. Để an toàn khi sử dụng thẻ, chủ thẻ cần lưu ý: khi bước vào máy ATM cần quan sát kỹ xem trên bàn phím hoặc khe đọc thẻ có gắn thiết bị lạ nào không. Khi nhập mật mã cần lấy tay che lại vì trong trường hợp máy ATM có bị gắn các thiết bị theo dõi thì kẻ gian cũng không thể ghi lại được mật mã để sử dụng rút tiền được; không nên giao dịch ở những ATM có quá đông người chen lấn, xếp hàng vì rất dễ bị lộ thông tin thẻ cũng như mật mã.
- Chủ thẻ nên cẩn trọng về độ bảo mật của mật khẩu vì đây là chìa khóa để truy cập vào tài khoản ATM; Chủ thẻ không nên viết mật khẩu ở những chỗ mà người khác có thể thấy được; Nên lưu ý thay đổi mật khẩu ba tháng một lần; không nên sử dụng những thông tin cơ bản như ngày tháng năm sinh, số điện thoại… để làm mật khẩu.
- Chủ thẻ giao dịch cũng cần nâng cao cảnh giác với các trang web giả mạo các Ngân hàng, chỉ thực hiện giao dịch tài khoản trên website chính thức của ngân hàng; Sử dụng các phần mềm diệt vi-rút và thường xuyên cập nhật phiên bản mới nhất; không cài đặt các phần mềm độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên máy tính cá nhân và điện thoại di động của mình. Khi nhận được tin nhắn hoặc thông báo qua SMS, email hay từ trang web của Ngân hàng, chủ thẻ cần lưu ý kiểm tra lại thông tin, tránh trường hợp tin tặc lợi dụng lòng tin, mạo danh ngân hàng để cướp đoạt tài sản.
- Ngoài ra, với người có khoản tiền nhàn rỗi lớn, các chuyên gia kinh tế khuyên nên mở sổ tiết kiệm vì cách này có lợi hơn so với để tiền trong tài khoản ATM. Cụ thể, tiền trong tài khoản ATM chỉ được ngân hàng trả lãi không kỳ hạn, trong khi đó nếu mở sổ tiết kiệm khách hàng được ngân hàng trả lãi có kỳ hạn, cao hơn nhiều so với lãi suất không kỳ hạn. Việc gửi tiết kiệm cũng an toàn hơn vì trong trường hợp mất sổ tiết kiệm thì người nhặt được sổ cũng khó có thể rút tiền từ ngân hàng do không khớp nhận dạng, chữ ký và chứng từ liên quan.
Phòng Quản lý các TCTD và hoạt động Ngân hàng (10/07/2017 14:30)
Đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công ty CP Công nghệ Hợp Long, Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Osb (08/07/2017 13:36)
Trả lời
Hiện nay, các TCTD trên địa bàn Hà Nội thực hiện cho vay đối với khách hàng theo thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp như:
(i) Sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn để đảm bảo cân đối vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh;
(ii) Điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND, lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên, góp phần giảm mặt bằng lãi suất hỗ trợ sản xuất, kinh doanh;
(iii) Ban hành, triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù, tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên;
(iv) Chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn giảm lãi vốn vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng vay; xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng đã ký trước đây xuống mức lãi suất cho vay hiện hành; đổi mới quy trình cho vay vốn theo hướng giảm bớt phiền hà cho khách hàng.
(v) Tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ngày 24/2/2017, NHNN Chi nhánh TP Hà Nội ban hành kế hoạch hành động số 210/KH.HAN-THP nhằm phổ biến, tuyên truyền, triển khai kịp thời đến các TCTD trên địa bàn các Chỉ thị, định hướng điều hành năm 2017 của NHNN Việt Nam, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TP, Chỉ thị, chương trình hành động của UBNDTP, trong đó tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Nội; Kế hoạch số 645/KH.HAN-THP của Ngành Ngân hàng Hà Nội góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2017, định hướng đến năm 2020 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn Hà Nội.
Thực hiện Quy chế phối hợp số 02/UBND-NHNN ngày 04/6/2016 giữa Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/9/2016 của UBND Thành phố Hà Nội về hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. NHNN Chi nhánh TP Hà Nội tích cực tham mưu cho UBNDTP chỉ đạo các Sở ngành, Quận, Huyện phối hợp với NHNN Chi nhánh TP Hà Nội triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chương trình tín dụng khác của ngân hàng Nhà nước Việt Nam gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô; Yêu cầu các TCTD tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xem xét giải quyết cho vay, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận vốn. Trên thực tế, các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, khả thi đã tiếp cận vốn dễ dàng với lãi suất hợp lý. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng chủ yếu là do năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý... Ngoài ra, một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện vay vốn nhưng chưa có nhu cầu vay vốn do còn gặp khó khăn về thị trường.
Vì vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng ngoài những giải pháp từ ngành Ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, minh bạch, tạo niềm tin để các TCTD yên tâm cấp tín dụng. Trong thời gian tới, NHNN sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay để xem xét chỉnh sửa hoặc bổ sung chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực đặc thù cho phù hợp hơn với tình hình mới; đồng thời tiếp tục triển khai nhiệm vụ và giải pháp về hoạt động ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề lãi suất, thời gian qua, NHNN với việc điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất của các TCTD đã giảm nhanh và mạnh, chỉ bằng 50% lãi suất cuối năm 2011. Mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD trên địa bàn trong năm 2016 và đầu năm 2017 đã ở mức thấp hơn nhiều so với những năm trước góp phần hỗ trợ tích cực cho sản xuất kinh doanh.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, ở mức 9-10%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch được các TCTD áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn.
NHNN Chi nhánh TP Hà Nội thường xuyên giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về lãi suất huy động và cho vay, kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, chia sẻ khó khăn đối với khách hàng vay. Đồng thời tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo đúng quy định của pháp luật, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất của các khoản vay cũ, xem xét miễn, giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của TCTD và chỉ đạo của NHNN. Trường hợp phát sinh khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, các TCTD trên địa bàn báo cáo NHNN Chi nhánh TP Hà Nội xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
NHNN TP Hà Nội (11/07/2017 10:30)
Đơn giản hóa thủ tục vay vốn ngân hàng
Đề nghị ngân hàng đơn giản hóa thủ tục vay vốn
Công ty TNHH TM vận tải TH Quốc tế HC (13/07/2017 14:27)
Trả lời
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, thời gian qua NHNN và hệ thống TCTD đã chủ động, tích cực rà soát các cơ chế, chính sách về hoạt động tín dụng để trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản theo hướng giảm bớt các thủ tục, giấy tờ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Để chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn và thách thức, thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản, quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến điều kiện và thủ tục vay vốn. NHNN chỉ đạo các TCTD đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay.
Đến nay, có thể khẳng định các TCTD đã có nhiều đổi mới trong việc xây dựng quy trình cho vay cũng như nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, thủ tục xét duyệt cho vay và kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay, thời gian giải ngân của các TCTD đều được chuẩn hóa và rõ ràng thành quy trình, quy định cụ thể nhằm đảm bảo thuận tiện cho khách hàng và đảm bảo an toàn, hiệu quả của TCTD (nhiều NHTM trên địa bàn đã hoạt động theo tiêu chuẩn chất lượng ISO) nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Vì vậy, khách hàng có nhu cầu vay vốn nếu đủ điều kiện vay vốn, có hồ sơ đầy đủ, phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi gửi đến các ngân hàng, đều được các ngân hàng tư vấn, hướng dẫn và giải quyết nhanh chóng. Ngoài ra các NHTM trên địa bàn tiếp tục đưa ra nhiều gói sản phẩm tín dụng ưu đãi, đặc biệt là các sản phẩm tín dụng dành cho DNNVV.
Hiện nay, trên địa bàn Quận Hoàng Mai có 5 Chi nhánh cấp 1, 1 chi nhánh cấp 2 và trên 90 PGD của các TCTD, 1 Quỹ tín dụng nhân dân và 01 PGD của NH Chính sách xã hội. Trong hoạt động của mình, các TCTD bám sát chính sách, chỉ đạo của địa phương cũng như của ngành ngân hàng, phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của Quận. Kết quả đến thời điểm hiện tại, huy động vốn trên địa bàn đạt 22.890 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 15.860 tỷ đồng. Với nguồn vốn huy động dồi dào, các tổ chức tín dụng trên địa bàn sẵn sàng cung ứng vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như cá nhân trên địa bàn Quận.
Để kịp thời hỗ trợ, giải đáp và tháo gỡ khó khăn của ngân hàng cũng như doanh nghiệp, NHNN Chi nhánh TP Hà Nội đã xây dựng chuyên trang hỗ trợ Ngân hàng - Doanh nghiệp để tiếp nhận câu hỏi, kiến nghị, đề xuất liên quan đến chính sách cũng như quan hệ tín dụng. Kiến nghị, đề xuất của tổ chức, cá nhân có thể truy cập qua địa chỉ website NHNN Chi nhánh TP Hà Nội: sbv.hanoi.gov.vn, số điện thoại đường dây nóng 02438253962. NHNN Chi nhánh TP Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND Quận Hoàng Mai để tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn Quận.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục rà soát để xem xét sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho vay, chỉ đạo các TCTD đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.Tuy nhiên, một số thủ tục liên quan đến hoạt động cho vay thuộc thẩm quyền giải quyết của các Bộ, ngành khác, được điều chỉnh bởi những quy định khác của pháp luật, như: Xây dựng và phê duyệt dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế chấp và cầm cố tài sản đăng ký giao dịch bảo đảm, kiểm toán báo cáo tài chính… Vì vậy, cần có sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các ngành, cấp có liên quan để đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay./.
NHNN TP Hà Nội (13/07/2017 16:00)