Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025
Ngày 28/6/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Luật Thủ đô năm 2024 được xây dựng dựa trên quan điểm kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012.
Một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng Luật Thủ đô là kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012. Theo đó, Luật Thủ đô năm 2024 được kế thừa một số nội dung, cụ thể:
Trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô: Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp, liên tục của các cấp chính quyền và người dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô được tặng cho người nước ngoài có đóng góp đặc biệt trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô hoặc trong việc thiết lập, mở rộng, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô; Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định điều kiện, thủ tục tặng, thu hồi danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.
Luật Thủ đô sửa đổi 2024 có rất nhiều điểm mới được bổ sung, mở rộng, mang đến cơ hội cho Hà Nội phát triển bền vững và mạnh mẽ, trong đó, nổi bật là quy hoạch, xây dựng.
Luật cho phép Thành phố được điều chỉnh cục bộ các quy hoạch trên địa bàn Thành phố do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cho phép phát triển một số loại công trình ở bãi sông, bãi nổi, phân quyền phê duyệt đầu tư các dự án ở bãi sông, bãi nổi cho UBND Thành phố.
Về khoa học công nghệ, Luật quy định bổ sung mới các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ về thu nhập, các nguồn lực, trang thiết bị; khi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm thì được chủ động áp dụng các cơ chế về tuyển chọn, giao nhiệm vụ, cơ chế khoán sản phẩm.
Trong thực hiện chính sách xã hội, Thành phố được chủ động trong việc quy định về đối tượng, mức chi để thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội cao hơn hoặc ngoài các quy định của Trung ương.
Đối với nông nghiệp, nông thôn, Thành phố được ban hành các quy định hỗ trợ phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, hiệu quả kinh tế cao; được quy định về tỉ lệ đất nông nghiệp tại vùng nông nghiệp tập trung để phát triển các công trình phụ trợ, phục vụ sản xuất nông nghiệp; được sử dụng đất tại bãi sông bãi nổi để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm.
Về thu ngân sách, Luật cho phép Thành phố được hưởng các khoản thưởng vượt thu so với dự toán được giao; được ban hành các loại phí, lệ phí mới hoặc tăng, giảm phí, lệ phí; được tăng hạn mức vay lên không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp; được giữ lại toàn bộ tiền thu từ đất do Thành phố quản lý, tiền thu từ tín chỉ carbon trên địa bàn Thành phố.
Về chi ngân sách, Thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho đầu tư phát triển; chi từ quỹ dự trữ tài chính với thời gian dài hơn, tỉ lệ cao hơn….
Đặc biệt, Luật cho phép được sử dụng nguồn chi thường xuyên để cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình, trụ sở tài sản công. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để chi mua sắm tài sản, sửa chữa theo quy trình chi thường xuyên.
Về đầu tư công, Thành phố được phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp dự án do ngân sách địa phương bố trí, mà không bị giới hạn về mức vốn. Được phép tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập (đối với dự án nhóm B,C) nhằm giúp cho quá trình đầu tư công được thuận lợi, đơn giản hoá, đẩy nhanh quy trình thực hiện…
Ngày 22/7/2024, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô. Đề ra loạt nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất những nội dung trọng tâm, trọng điểm, cần thiết, có khả năng thực hiện ngay để ban hành sớm, có hiệu lực cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô./.
Thảo Duyên