Ngành Ngân hàng đẩy mạnh công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020
Bình đẳng giới là một quyền con người cơ bản và là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ và phát triển của xã hội. Vì vậy, trong quá trình phát triển, bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bình đẳng giới luôn là một mục tiêu ưu tiên mà các quốc gia hướng đến quá trình phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất là một quá trình lâu dài đòi hỏi mỗi quốc gia phải nỗ lực trong ban hành và thực thi chính sách cũng như tìm ra các cơ chế thích hợp để phụ nữ được tham gia, được thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới. Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, quy định nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.
Với đặc thù là ngành có hơn 60% lao động là nữ, ngành Ngân hàng đã rất quan tâm, thực hiện công tác bình đẳng giới thông qua việc ban hành nhiều văn bản liên quan đến bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng, phụ nữ đã có những đóng góp to lớn trên mọi lĩnh vực hoạt động, được ghi nhận và đánh giá cao.
Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của lao động nữ trong Ngành, Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị luôn quan tâm lãnh đạo công tác cán bộ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, phát huy năng lực, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của Ngành. Ban lãnh đạo luôn xác định mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, từ đó thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch bình đẳng giới tại đơn vị và kế hoạch hành động về bình đẳng giới của Ngành.
Để tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ nữ, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, Hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, ngày 15/10/2020, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng có văn bản số 7569/NHNN-TCCB hướng dẫn các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, NHNo&PTNT Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Nhà máy In tiền Quốc gia, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và các tổ chức tín dụng... triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020.
Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng đề nghị các đơn vị triển khai một số nội dung cụ thể như sau:
- Chủ đề Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020: “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.
- Thời gian triển khai: Từ ngày 15/11/2020 đến ngày 15/12/2020.
- Những hoạt động chính:
- Xây dựng kế hoạch và ban hành hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động trong Tháng hành động năm 2020.
- Tổ chức tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tuyên truyền; đẩy mạnh truyền thông qua các trang thông tin điện tử, báo mạng...
- Tổ chức các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dụng liên quan đến chủ đề của Tháng hành động năm 2020; tổ chức các cuộc thi về chủ đề bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới (thi tìm hiểu pháp luật, thi sáng tác, thi sân khấu hoá, hội diễn), giao lưu văn nghệ, thể thao; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân; gặp mặt, biểu dương những điển hình, điểm sang và cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói chung, công tác triển khai Tháng hành động năm 2020 nói riêng phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị.
- Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động, tăng cường xã hội hoá các hoạt động truyền thông và hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
- Gửi các tin, bài về hoạt động triển khai Tháng hành động tại cơ quan, đơn vị đđể đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, cổng thông tin điện tử của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân các cấp, Sở Lao động - Thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố và các cơ quan thông tấn báo chí khác.
Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng yêu cầu đối với hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của ngành. Đồng thời, nghiên cứu lựa chọn nội dung truyền thông phù hợp, hưởng ứng tích cực các hoạt động nhân “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp của công đoàn với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cùng cấp trong triển khai, thực hiện các nội dung hoạt động hướng tới bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.
Minh Ngọc